Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Chủ doanh nghiệp mất, tiền thuế tính thế nào?

Mẹ tôi là chủ doanh nghiệp nhưng bà đã mất. Doanh nghiệp cũng ngừng hoạt động kinh doanh, mẹ tôi không để lại tài sản gì thì có được xóa nợ thuế GTGT hay không?
Vậy cho hỏi trường hợp của gia đình tôi có được xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hay không?
doanh nghiệp, thuế, miễn thuế
(ảnh minh họa)
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Nghị định 156/2013/NĐ-CP, việc xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (sau đây gọi tắt là tiền thuế) được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
“a) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tiền, tài sản để nộp tiền thuế.
b) Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế.
c) Các khoản nợ tiền thuế không thuộc trường hợp nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều này, đáp ứng đủ các điều kiện sau:
c.1) Khoản nợ tiền thuế đã quá 10 (mười) năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
c.2) Cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định nhưng không thu đủ tiền thuế;”
Nếu mẹ bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đã chết và không có tài sản thì thuộc trường hợp được xóa nợ tiền thuế. Căn cứ Khoản 4 Điều Điều 48 Nghị định 156/2013/NĐ-CP, gia đình cần cùng cấp:
+ Giấy chứng tử, hoặc Giấy báo tử, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết hoặc các giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
+ Văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng của cá nhân đã chết về việc người chết không có tài sản.
Cơ quan thuế có trách nhiệm yêu cầu thân nhân của người mất tích cung cấp các giấy tờ trên
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Thanh tra việc Metro lỗ triền miên

Ngành thuế vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, trong đó có Metro Việt Nam. 

Trao đổi với VnExpress ngày 2/10, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục khai báo lỗ, trong đó có Công ty Metro Việt Nam (MCC). "Không ít doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn ưu đãi đầu tư mà vẫn báo cáo lỗ. Một số khác khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn liên tục mở rộng đầu tư", ông này nói. 

Riêng với Metro, lãnh đạo ngành thuế cho hay, từ khi công ty hoạt động tại Việt Nam (năm 2002), cơ quan thuế đã có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành của doanh nghiệp đến hết năm 2011. Trong đó, hầu hết các năm, doanh nghiệp đều báo lỗ, doanh thu chưa bù đắp được giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. 
Trong khi đó, từ số vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD để mở siêu thị đầu tiên tại TP HCM, sau 12 năm, hiện Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, doanh thu tăng trưởng liên tục. Đến năm 2013, doanh thu của MCC Việt Nam gấp 24 lần năm 2002, khoảng hơn 14.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty lại đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, Metro chưa nộp đồng nào và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thuế cũng cho biết, Tổng cục cũng giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ thương vụ chuyển nhượng vừa qua của MCC Việt Nam để thu thuế chuyển nhượng vốn của công ty này. 
Ngọc Tuyên