Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Chủ doanh nghiệp mất, tiền thuế tính thế nào?

Mẹ tôi là chủ doanh nghiệp nhưng bà đã mất. Doanh nghiệp cũng ngừng hoạt động kinh doanh, mẹ tôi không để lại tài sản gì thì có được xóa nợ thuế GTGT hay không?
Vậy cho hỏi trường hợp của gia đình tôi có được xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hay không?
doanh nghiệp, thuế, miễn thuế
(ảnh minh họa)
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Nghị định 156/2013/NĐ-CP, việc xoá nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (sau đây gọi tắt là tiền thuế) được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
“a) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tiền, tài sản để nộp tiền thuế.
b) Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế.
c) Các khoản nợ tiền thuế không thuộc trường hợp nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều này, đáp ứng đủ các điều kiện sau:
c.1) Khoản nợ tiền thuế đã quá 10 (mười) năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
c.2) Cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định nhưng không thu đủ tiền thuế;”
Nếu mẹ bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đã chết và không có tài sản thì thuộc trường hợp được xóa nợ tiền thuế. Căn cứ Khoản 4 Điều Điều 48 Nghị định 156/2013/NĐ-CP, gia đình cần cùng cấp:
+ Giấy chứng tử, hoặc Giấy báo tử, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết hoặc các giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch (bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
+ Văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng của cá nhân đã chết về việc người chết không có tài sản.
Cơ quan thuế có trách nhiệm yêu cầu thân nhân của người mất tích cung cấp các giấy tờ trên
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Thanh tra việc Metro lỗ triền miên

Ngành thuế vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, trong đó có Metro Việt Nam. 

Trao đổi với VnExpress ngày 2/10, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vừa có quyết định thanh tra đối với một số doanh nghiệp FDI liên tục khai báo lỗ, trong đó có Công ty Metro Việt Nam (MCC). "Không ít doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn ưu đãi đầu tư mà vẫn báo cáo lỗ. Một số khác khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn liên tục mở rộng đầu tư", ông này nói. 

Riêng với Metro, lãnh đạo ngành thuế cho hay, từ khi công ty hoạt động tại Việt Nam (năm 2002), cơ quan thuế đã có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành của doanh nghiệp đến hết năm 2011. Trong đó, hầu hết các năm, doanh nghiệp đều báo lỗ, doanh thu chưa bù đắp được giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. 
Trong khi đó, từ số vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD để mở siêu thị đầu tiên tại TP HCM, sau 12 năm, hiện Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, doanh thu tăng trưởng liên tục. Đến năm 2013, doanh thu của MCC Việt Nam gấp 24 lần năm 2002, khoảng hơn 14.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty lại đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, Metro chưa nộp đồng nào và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thuế cũng cho biết, Tổng cục cũng giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ thương vụ chuyển nhượng vừa qua của MCC Việt Nam để thu thuế chuyển nhượng vốn của công ty này. 
Ngọc Tuyên

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

870 triệu USD và phi vụ ma mãnh của METRO

Lỗ kéo dài suốt 11/12 năm có mặt tại VN nhưng METRO Cash & Carry VN (METRO) bất ngờ được bán cho doanh nghiệp Thái Lan với số tiền lên đến 655 triệu euro (khoảng 870 triệu USD).

870 triêu USD và phi vụ ma mãnh METRO
Cơ quan quản lý VN phải vào cuộc để biết tại sao METRO lỗ mà vẫn bán được giá cao - Ảnh: D.Đ.Minh
Thương vụ trở thành món hời khổng lồ cho tập đoàn mẹ nhưng kể từ khi có mặt cho đến khi tuyên bố rời khỏi VN, METRO chưa đóng một đồng thuế nào.
Bán ưu đãi?

Từ tổng vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD, sau 12 năm, METRO đột ngột bán công ty cho doanh nghiệp Thái Lan với giá 870 triệu USD. 
Số lợi nhuận khổng lồ này chẳng bao lâu nữa sẽ được tập đoàn mẹ ở Đức thu về trong khi VN không thu được thuế thu nhập trong hoạt động kinh doanh cũng như sẽ rất khó thu được thuế chuyển nhượng...



Là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), METRO vào VN được nhận rất nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất, mặt bằng tốt để xây dựng siêu thị. Đối với thuế, công ty này được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% trong 2 năm kể từ khi có lãi. Tất cả 19 siêu thị METRO trong cả nước đều tọa lạc ở vị trí đẹp. Không ít các ưu đãi METRO được hưởng là vì kinh doanh bán sỉ chứ không phải bán lẻ nhưng từ nhiều năm qua, METRO luôn bị tố cáo là lách luật để bán lẻ. Cụ thể, gian hàng bán lẻ các loại gạo, ngũ cốc xuất hiện tại tất cả các siêu thị METRO, bày bán với đơn vị nhỏ nhất. Việc cấp phát thẻ hội viên được tiến hành ồ ạt, cạnh tranh trực tiếp với những nhà bán lẻ trong nước khác. Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu sai phạm đó không được xử lý nên METRO ngày càng lấn tới.
Đặc biệt, suốt 12 năm kinh doanh ở VN, METRO chỉ báo lãi duy nhất 1 lần dù đã mở tới 19 siêu thị trải dài trên cả nước. Từ tổng vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD, sau 12 năm, METRO đột ngột bán công ty cho doanh nghiệp Thái Lan với giá 870 triệu USD. Số lợi nhuận khổng lồ này chẳng bao lâu nữa sẽ được tập đoàn mẹ ở Đức thu về trong khi VN không thu được thuế thu nhập trong hoạt động kinh doanh cũng như sẽ rất khó thu được thuế chuyển nhượng...
Giám đốc một siêu thị tại TP.HCM cho rằng việc METRO được bán với giá cao có thể đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có thể bao gồm những cam kết hỗ trợ kèm theo như mọi ưu đãi từ phía VN... “Khi đầu tư vào các siêu thị, dù theo nguyên tắc lấy ngắn nuôi dài, lấy cái đã có lời nuôi cái mới đang bị lỗ nhưng cũng không doanh nghiệp nào chấp nhận phương án lỗ kéo dài quá 5 năm. Tôi nghĩ rằng 5 năm cũng là thời gian cần thiết và đủ cho một khoản đầu tư vào nhiều ngành nghề khác. Nếu không đạt được mục tiêu và sinh lời trong thời gian đó thì dự án đã thất bại”, vị giám đốc này phân tích.
Đề cập đến vụ METRO lỗ nhưng bán được giá cao, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của LHQ, cho rằng: Giá trị của METRO nằm ở những mặt bằng mà VN cho phép họ sử dụng. Bình thường nếu một công ty kinh doanh không có lãi thì giá là 0 đồng. Do đó việc trả giá cao hơn 0 đồng vì người mua biết chắc sẽ được sử dụng những vị trí mặt bằng đẹp của METRO.

Thị trường đầy tiềm năng
Theo ước tính, hình thức bán lẻ hiện đại (gồm các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...) ở VN chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 60%, ở Malaysia hay Indonesia từ 40 - 50%... Tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành bán lẻ hiện đại tại VN những năm qua đều tăng trưởng khoảng 20%/năm và được nhận định chỉ mới ở cuối giai đoạn bắt đầu và đang tăng tốc. Do đó xu hướng phát triển bán lẻ hiện đại tại VN sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Dự báo sẽ còn tiếp tục có nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường này. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu trên thế giới đã có mặt tại VN và liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh như METRO, Big C, Aeon, Lotte...

Kinh doanh lỗ, bán tỉ đô
Tổng cộng mức lỗ lũy kế đến năm 2012 của công ty này lên đến 598 tỉ đồng với giải thích thua lỗ kéo dài vì phải tập trung mở rộng đầu tư. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nghi án chuyển giá của METRO đã được nói đến nhiều lần và trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế đã điều tra tới đâu và kết luận như thế nào thì đến nay mọi người cũng chưa biết. “Có thể METRO giải thích rằng sau 12 năm ở VN họ không có lãi vì bao nhiêu tiền kiếm được để đầu tư cho mở rộng kinh doanh. Nhưng ngay cả cách họ xây dựng hàng loạt siêu thị quá dễ dãi cũng là một vấn đề đáng bàn. Theo cam kết WTO của VN, chúng ta mở cửa cho các trung tâm mua sắm nhưng vẫn bảo lưu là sau cái đầu tiên, nhà đầu tư muốn mở cái tiếp theo thì phải được chính phủ xem xét dựa vào nhu cầu thực tế. Việc để cho METRO tung hoành ở VN là kết quả của một quá trình thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng, như Bộ KH-ĐT không giám sát chặt chẽ, Bộ Tài chính thả lỏng quản lý...”, bà Lan phát biểu. Bà Lan nhấn mạnh: METRO bán với giá cao nhưng họ có một quá trình không nộp thuế cho VN, vậy họ có quyền bán công ty của mình một cách đơn giản như thế rồi ra đi mà cơ quan quản lý thuế VN không có quyền gì sao? Vụ chuyển nhượng METRO cho doanh nghiệp Thái Lan đem tới cho các chuyên gia nhiều nỗi lo, trong đó có việc vào năm 2015 cộng đồng chung ASEAN được thành lập và Thái Lan sẽ rộng cửa đưa hàng vào VN qua hệ thống phân phối, thị phần mà METRO bán lại.
Theo TS Vũ Quang Việt: “Hiện nay, các nước đều không có hiệp ước mua bán hay đầu tư trực tiếp nên chính phủ đều có quyền can thiệp. WTO chỉ liên quan đến buôn bán hàng hóa và một số dịch vụ nhất định. VN hoàn toàn có quyền cấm một nước nào đó đầu tư, hoặc đầu tư vào một ngành nào đó. Nhiều người cho đến nay không hiểu điều này. Thường khi bán công ty, cơ quan nhà nước, đặc biệt là thuế, và cơ quan liên quan khác phải xem xét, và có thể yêu cầu hai bên (bên mua và bên bán) nộp đánh giá, nhất là bản cáo cáo tài chính, để biết tại sao lỗ mà họ vẫn mua lại giá cao như thế.


Hàng loạt đại gia dính nghi án chuyển giá né thuế
Ngoài METRO còn hàng loạt các tên tuổi lớn như Coca Cola, Pepsi, Nestlé, Nike đang trong nghi án chuyển giá trốn thuế tại VN. Điểm chung của các DN này là đầu tư lâu dài nhưng báo lỗ triền miên. Mặc dù than lỗ nhưng họ vẫn mở rộng đầu tư liên tục. Chẳng hạn tính đến hết tháng 9.2011, Coca Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỉ đồng và bị “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỉ đồng. Nhưng đến nay, Coca Cola đã có khoảng 13 dây chuyền sản xuất trên toàn quốc và đang trong kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư với số tiền công bố rót thêm 300 triệu USD trong giai đoạn 2013 - 2015. Tương tự Pepsico cũng thua lỗ kéo dài từ năm 1991 và lũy kế đến hết năm 2010 lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Hay Nestlé báo lỗ hơn 30,8 triệu USD sau 18 năm hoạt động tại VN. Dù vậy Nestlé vẫn không ngừng đổ thêm tiền vào thị trường VN để xây thêm nhà máy mới, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 466 triệu USD...

VN chỉ biết METRO được bán đi vào phút chót - Ảnh: D.Đ.Minh
Trong thương vụ mua lại METRO ở VN, tỉ phú Thái Lan đã bỏ ra tới 655 triệu euro (xấp xỉ 18,7 nghìn tỉ đồng). Đây là một thương vụ hời so với một thương vụ khác của chính METRO vào cuối năm 2012. Khi đó, Tập đoàn METRO bán chuỗi 91 đại siêu thị Real tại Đông Âu (Ba Lan, Romania, Nga và Ukraine) cho Auchan (tập đoàn bán lẻ của Pháp đồng thời là đối thủ nặng ký của METRO) với giá 1,1 tỉ euro, bao gồm cả mặt bằng và cửa hàng. Năm 2011, chuỗi siêu thị này có doanh số tới 2,6 tỉ euro trong khi cả hệ thống METRO tại VN đạt doanh số hơn 500 triệu euro. Như vậy, dù doanh số cao gấp 5 lần, số chuỗi siêu thị cao gấp gần 5 lần nhưng giá bán chỉ cao hơn chưa tới 2 lần so với METRO VN. Vậy tại sao tỉ phú Thái Lan lại sẵn sàng mua lại METRO với giá 655 triệu euro?
Loại nhà đầu tư nội

Người VN ở nước ngoài khi muốn mua nhà, thuê nhà tại VN cũng phải chờ có quy định cụ thể và mất bao nhiêu thời gian, thủ tục thì không thể có chuyện METRO vào thuê các mặt bằng tốt rộng hàng ngàn mét vuông rồi muốn chuyển nhượng cho ai sử dụng cũng được. Điều này quá phi lý

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Điều đáng nói là vụ sang nhượng hệ thống bán sỉ lớn nhất VN, được hưởng nhiều ưu đãi của nước sở tại nhưng lại diễn ra gần như bí mật giữa 2 nhà đầu tư nước ngoài. Phía VN hầu như không được biết tới, kể cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) trong nước. Điều này cho thấy METRO không hề có ý định chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nội.
Lãnh đạo một DN lớn trong nước cho rằng, việc loại các DN trong nước của METRO là nhằm né tránh kiểm soát những nghi án chuyển giá từ cơ quan chức năng. Thậm chí, nghi án sang nhượng "bí kíp" chuyển giá cho đối tác cũng đã được nhiều người đặt ra bởi không một nhà đầu tư nào lại bỏ ra số tiền lớn để mua lại một công ty với tiền sử thua lỗ kéo dài hơn chục năm như "lý lịch" hoạt động của METRO tại VN.
Nghi án này càng được củng cố hơn khi thông tin cho thấy giá khởi điểm ban đầu của vụ sang nhượng này chỉ bằng 1/2 so với mức giá thỏa thuận cuối cùng. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đặt vấn đề: Chủ DN Thái Lan mua lại METRO là người gốc Trung Quốc và liệu có chiến lược gì đằng sau trong thương vụ này ở VN?
Làm rõ việc chuyển đất vàng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Trong các thương vụ mua bán, sáp nhập, DN thường giữ kín mà không có trách nhiệm thông báo rộng rãi. Nhưng với METRO, họ đang kinh doanh và đầu tư ở VN, được hưởng nhiều ưu đãi và sử dụng nhiều đất đai, họ phải có nghĩa vụ thông báo với phía VN và ý kiến của cơ quan quản lý.
“Tôi biết rằng, trong các liên doanh giữa VN và nước ngoài, khi phía nước ngoài muốn bán cổ phần thì phải ưu tiên cho các DN VN. Một khi các DN trong nước không muốn mua lại thì mới bán cho nước ngoài. Trước đây, một hãng dầu nhớt bán cổ phần trong liên doanh VN, họ cũng thông báo rộng rãi nhưng các công ty trong nước không mua lại thì hãng này mới bán cho Ấn Độ. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu họ muốn bán công ty ở VN, cơ quan quản lý cần phải buộc họ làm tương tự chứ không thể khi vào VN được hưởng biết bao ưu đãi, đến lúc bán thì lại bán cho nước ngoài. Các cơ quan quản lý VN, nhất là nhà quản lý đầu tư nước ngoài, cũng cần phải trả lời cho dư luận biết rõ, METRO đã báo cáo về việc bán DN ở VN như thế nào. Không thể có chuyện bán một hệ thống siêu thị ở ngay VN lên tới tỉ USD mà như bán một món hàng ngoài chợ được”, bà Lan bức xúc.

Thanh kiểm tra việc bán lẻ
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 22.8, bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, cho biết hiệp hội đã có đề xuất gửi các cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu thanh kiểm tra METRO liên quan đến việc bán lẻ, dù giấy phép của công ty là bán buôn. Bà Loan khẳng định hiện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đang tiến hành thanh kiểm tra METRO và hiệp hội đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng.

Trong khi đó, theo quan sát của TS Nguyễn Minh Phong thì “METRO khi vào VN đã có ý định bán dự án, họ có chiến lược rút lui rõ ràng nên triển khai rất nhiều dự án. Họ cũng xây các dự án một cách sơ sài, không kiên cố, chỉ toàn là tôn để nhanh khấu hao. Và giờ là thời điểm tốt nhất để METRO bán dự án của mình sau khi VN mở cửa cho thị trường bán lẻ”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải biết METRO thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư Thái kế tục như thế nào. Như vậy, các nhà quản lý VN có thể siết ngay quyền sử dụng đất. Không có chuyện thu thuế trong 30 hay 50 năm mà phải thu theo từng năm một”. Ông Phong cũng cho rằng, việc chưa có quy định buộc các nhà đầu tư nước ngoài đã hưởng ưu đãi của VN khi bán dự án phải tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng là một kẽ hở của luật pháp. Nếu có thông báo về việc bán DN thì các nhà đầu tư trong nước sẽ rộng cửa tham gia vào dự án, chứ không có chuyện dự án đã bán rồi VN mới biết.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng kêu gọi cơ quan chức năng cần phải làm rõ hoạt động chuyển nhượng các mặt bằng của METRO cho đối tác Thái Lan. Bởi trong khi DN trong nước muốn tìm 1/10 diện tích đất như của METRO cũng gặp rất nhiều khó khăn thì tập đoàn này đã nhanh chóng có được những mặt bằng đẹp lên đến hàng ngàn mét vuông. “Người VN ở nước ngoài khi muốn mua nhà, thuê nhà tại VN cũng phải chờ có quy định cụ thể và mất bao nhiêu thời gian, thủ tục thì không thể có chuyện METRO vào thuê các mặt bằng tốt rộng hàng ngàn mét vuông rồi muốn chuyển nhượng cho ai sử dụng cũng được. Điều này quá phi lý”, ông Thành nói.
Thanh tra thuế vào cuộc
Trao đổi với Thanh Niên chiều 22.8, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết Thanh tra của Tổng cục đang được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ thương vụ chuyển nhượng của Công ty METRO Cash & Carry VN (METRO) để thu thuế chuyển nhượng vốn của công ty này. Theo ông Tuấn, quy định hiện tại cho phép DN được tự khai, tự tính và tự nộp thuế, đến cuối năm thực hiện thủ tục quyết toán với cơ quan thuế. Tuy nhiên, liên quan đến thương vụ mua bán này do phát sinh giao dịch chuyển nhượng nên phải thu thuế chuyển nhượng vốn. Hiện thanh tra của Tổng cục được giao xem xét, giám sát đưa ra phương án “đánh” thuế theo nguyên tắc giá chuyển nhượng bao nhiêu trừ đi vốn trong quá trình đầu tư, chi phí chuyển nhượng vốn, chi phí thuê tư vấn đàm phán. Tất cả phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, sau khi trừ đi số còn lại sẽ phải nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Anh Vũ


Kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển nhượng


Các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ thương vụ mua bán của METRO và nghi án chuyển giá, ngăn chặn ngay hành vi trục lợi trên những ưu đãi của VN.

870 triệu USD và phi vụ ma mãnh của METRO - Kỳ 3: Kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển nhượng
Không thể dễ dàng để METRO hạ cánh an toàn, vì sẽ tạo tiền lệ xấu - Ảnh: D.Đ.Minh
Năm 2010, Thanh Niên từng đề cập đến vụ trốn thuế xảy ra tại khách sạn Equatorial (Q.5, TP.HCM) bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố hình sự. Khi tiến hành thanh tra về thuế tại khách sạn này, cơ quan thuế phát hiện hàng loạt sai phạm và nhận thấy khách sạn có dấu hiệu của tội “trốn thuế” nên Cục Thuế TP.HCM dừng các thủ tục xử lý hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Nếu không làm rõ những nghi vấn đang đặt ra thì bản thân các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước người dân. Bản thân DN trong nước chỉ mong muốn được bình đẳng như METRO, chẳng hạn được ưu đãi về thuế hay tìm các mặt bằng khi muốn mở siêu thị bán lẻ...

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Theo TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia kinh tế quốc tế, đối với trường hợp của METRO, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc để xác định METRO có “lãi thật, lỗ giả” hay không. Cơ quan này cần phải kiểm toán toàn bộ METRO trên cơ sở đó kết luận nghi án chuyển giá né thuế. Nếu lỗ giả, lãi thiệt thì có thể tiến hành truy thu thuế.
Siết quy trình bán dự án cho nước ngoài
Đối với việc chuyển nhượng dự án, theo TS Chắt, trong thẩm quyền của Bộ KH-ĐT cần phải can thiệp vào việc mua bán dự án của METRO ở VN. Vì METRO là dự án thuộc nhóm A do Chính phủ cấp phép sau khi được Bộ KH-ĐT đề xuất nên Bộ KH-ĐT có trách nhiệm xem xét lại tính hợp pháp của việc bán METRO ở VN cho Thái Lan.
TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Ở Mỹ khi bán công ty cho một thực thể nước ngoài (ở tỷ lệ cổ phần có quyền kiểm soát) thì phải xin phép Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the US) thuộc Bộ Tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp thông tin theo yêu cầu của Cục Tình báo Mỹ (CIA) và Cảnh sát liên bang (FBI) để điều tra, mất khoảng 30 - 45 ngày. Cũng có thể bị đem ra quốc hội truy hỏi. Bán công ty cho ai là quyền của DN, trừ trường hợp có liên quan đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp đặc biệt, chẳng hạn phía Mỹ sẽ xét duyệt việc công ty Trung Quốc mua công ty hoặc cổ phần kiểm soát của DN Mỹ, có thể không được mua hoặc phải tự ý rút lui”.
Ở VN, TS Việt cho rằng, để hoạt động minh bạch, tất cả các công ty đều phải bảo đảm các quy trình thủ tục. Thứ nhất, từng quý phải nộp báo cáo tài chính để nộp thuế và hằng năm phải nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập (thuộc Bộ Tài chính). Thứ hai, khi bán, người bán phải trả capital gain tax (thuế trên lãi từ chênh lệch giá trị tài sản mà công ty sở hữu)... Đây cũng là dịp để xem lại sổ sách từ ngày thành lập. Đối với METRO, nếu thực hiện hết các quy định trên, chắc chắn sẽ không có chuyện lỗ 11/12 năm và khi bán sẽ phải thực hiện hết các nghĩa vụ với VN.

Cơ quan thuế đang rà soát lại hồ sơ
Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết cơ quan thuế đang rà soát lại hồ sơ của METRO. Liên quan đến việc METRO bán cho DN Thái Lan với số tiền lên đến 655 triệu euro (khoảng 870 triệu USD), hiện METRO VN vẫn chưa có thay đổi về giấy phép đầu tư nên các thông tin về việc chuyển nhượng cơ quan thuế mới chỉ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi giao dịch mua bán METRO diễn ra, giao dịch này sẽ phải thực hiện thuế chuyển nhượng vốn.

T.Xuân

TS Việt khẳng định tất cả các vụ buôn bán liên quan đến nước ngoài đều nên qua một trình tự nhất định. Trình tự này nhằm kiểm toán để đánh thuế cho đúng, thuế thu nhập công ty (lợi nhuận) trước đây và thuế lãi do tăng giá trị tài sản (giá cổ phiếu...). Đặc biệt, kiểm soát mua bán bằng một trình tự đã định sẵn còn bảo đảm an ninh quốc gia, không để một nước nào đó kiểm soát.
Ưu tiên bán cho người Việt trước
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng hiện các DN có nhiều nghi vấn xoay quanh câu chuyện kinh doanh thua lỗ và bán cho Thái Lan của METRO. Do đó các cơ quan quản lý, đặc biệt là Tổng cục Thuế phải làm rõ những nghi vấn này trước khi METRO hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và rút khỏi VN. “Nếu không làm rõ những nghi vấn đang đặt ra thì bản thân các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước người dân. Bản thân DN trong nước chỉ mong muốn được bình đẳng như METRO, chẳng hạn được ưu đãi về thuế hay tìm các mặt bằng khi muốn mở siêu thị bán lẻ... ”, ông Phú nói.
Từ sự vụ của METRO, các chuyên gia một lần nữa đề cập đến chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có phần “nặng ngoại, nhẹ nội” của VN. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mặt bằng ở Bình Phú (Q.6, TP.HCM) của METRO ban đầu thuộc quy hoạch dành xây dựng công viên giải trí nhưng sau đó công ty vẫn thuê được. Rõ ràng có nhiều dấu hiệu bất thường. “VN đã thu lại được lợi ích gì khi cấp phép cho METRO vào hoạt động đến nay? Hay chỉ là việc tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các DN trong nước. Bao nhiêu đất đai được khai thác mà chính ông chủ sở hữu là VN lại không nhận lại được lợi ích gì? Vì thế, cần phải xem lại chính sách thu hút và ưu đãi FDI, nhất là trong lĩnh vực phân phối. Đáng lẽ trong những năm qua, các cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương phải kiểm tra để xác định nguyên nhân thua lỗ của METRO. Để sự việc này kéo dài nhiều năm và đến nay có thể hạ cánh an toàn là lỗi của các cơ quan quản lý”, ông Thành chỉ trích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: Khi DN Thái Lan tiếp quản METRO thì chắc chắn nền kinh tế VN sẽ bị tác động lớn. Thậm chí cả ngành nông nghiệp trong nước cũng sẽ bị bóp chết khi hàng nông sản Thái Lan dễ dàng có mặt ở thị trường VN. Điều quan trọng hiện nay là phải tập trung và kiểm tra kỹ càng những nghi vấn trong hoạt động kinh doanh của METRO tại VN. Đặc biệt, việc cho phép chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng, trong đó có quyền sử dụng đất ở những mặt bằng lớn như METRO hiện nay là một lỗ hổng trong việc quản lý và thu hút vốn FDI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Vì vậy cần xem xét rà soát lại toàn bộ quy định và có thêm những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn. Thậm chí có thể yêu cầu DN nước ngoài phải ưu tiên bán lại hệ thống kinh doanh cho người VN trước khi tìm đối tác ở nước ngoài.
Hàng Thái sẽ bao phủ VN
Theo phân tích của ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, việc lựa chọn mua lại chuỗi METRO có sẵn với 19 siêu thị trên cả nước là cách nhanh chóng để chiếm lĩnh thị trường của tỉ phú Thái Lan.
“Ít nhất là với việc mua lại cả chuỗi siêu thị METRO, tập đoàn Berli Jucker - BJC của Thái đã loại ngay được một đối thủ lớn khi tham gia tại thị trường VN”, ông Đức nói.


Mai Phương - N.Trần Tâm

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Ngưỡng 1 tỷ đã được gỡ bỏ với doanh nghiệp mới thành lập

Ngưỡng 1 tỷ đã được gỡ bỏ với doanh nghiệp mới thành lập
 

Mục đích hạn chế doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn của Thông tư số 219/2013/TT-BTC không những không đem lại hiệu quả mà còn bóp chết sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập.

Thông tư số 119/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2014 đã quy định những doanh nghiệp mới thành lập có tài sản dưới 1 tỷ đồng sẽ vẫn được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT). Quy định mới này được ban hành đã “mở cửa sinh” cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Trước ngày 01 tháng 09 năm 2014, theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, doanh nghiệp mới thành lập phải thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, nếu không, phải áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT tức là phải nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm ấn định nhân với doanh thu mà không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Quy định này được đưa ra nhằm mục đích hạn chế những doanh nghiệp được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn. Nhưng việc gộp tất cả các doanh nghiệp mới thành lập vào cùng một giỏ và áp dụng quy định này thực sự là rào cản cho những doanh nghiệp mới thành lập hoạt động hợp pháp. Và đối với những doanh nghiệp là đơn vị tư vấn, dịch vụ hoặc thậm chí là trong một số đơn vị hoạt động sản xuất thì việc đầu tư 1 tỷ đồng là sự không phù hợp.
Đồng thời, khi doanh nghiệp thành lập xong, đi vào hoạt động, việc không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, mà hạch toán thu nhập doanh nghiệp nên làm tăng giá thành hàng hóa, không những thế doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT tính trên doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, việc không được sử dụng hóa đơn GTGT khiến cho các doanh nghiệp này cũng khó để có thể tìm được khách hàng vì khi mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp này họ cũng không được khấu trừ thuế GTGT.
Trên thực tế, khi bị hạn chế bởi ngưỡng 1 tỷ, đã có không ít cá nhân, tổ chức với ý định thành lập công ty đã phải tìm cách thức khác khi khởi nghiệp, để có thể thực hiện ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình đồng thời tìm kiếm được khách hàng và đáp ứng yêu cầu của họ. Một trong những giải pháp được lựa chọn đó là mua lại những công ty đã đựợc thành lập trước năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc, nhằm mục đích tự tạo ra thế bình đẳng nhất định với các doanh nghiệp đã hoạt động từ trước về việc xuất được hóa đơn GTGT họ đã phải chấp nhận tốn thêm chi phí và chịu những rủi ro tiềm ẩn khi tiến hành mua lại những công ty khác.
Hoặc sau khi thành lập công ty và bị áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, để đáp ứng nhu cầu về sử dụng hóa đơn GTGT khấu trừ đầu vào của khách hàng không muốn sử dụng hóa đơn trực tiếp, họ cần mua hóa đơn. Và chính điều này lại làm tăng cung cầu, tạo điều kiện cho “thị trường” mua bán hóa đơn họat đông, phát triển ngày càng mạnh.
Như vậy, dường như mục đích hạn chế doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn của Thông tư số 219/2013/TT-BTC không những không đem lại hiệu quả mà còn bóp chết sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập vốn đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nhận thấy được sự bất cập, trong Thông tư số 119/2014/TT-BTC đã bỏ quy định này. Theo đó, doanh nghiệp mới thành lập chỉ cần thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ (mà không cần đạt ngưỡng 1 tỷ) hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, là đã đủ điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Điều này tạo ra thế cạnh tranh bình đăng hơn cho các doanh nghiệp mới thành lập so với các doanh nghiệp có vốn lớn, đã thành lập lâu năm.
Quy định này cùng các quy định khác như việc đơn giản, bãi bỏ nhiều bảng kê; làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp khoán được miễn, giảm; bổ sung chi phí đựợc trừ khi xác định thu nhập chịu thuế… trong Thông tư số 119/2014/TT-BTC thực sự hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như theo quy định tại Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 03 năm 2014. Nâng cao niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh nói riêng và toàn xã hội nói chung vào chủ trương, chính sách và đường lối lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, để cùng chung tay đưa nền kinh tế của nước ta đi lên, hội nhập và ngày một vững mạnh./.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Bán Metro: “Gần 900 triệu đô-la cũng là cái giá phải chăng”



Đầu ra của sản xuất là tiêu thụ. Với 90 triệu dân hiện nay và sẽ ổn định ở mức gần 120 triệu dân, Việt Nam được coi là nước đông dân đi liền với đó là một thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) khi trao đổi với phóng viên xung quanh thương vụ mua bán giữa Tập đoàn Metro (Đức) bán lại Metro Việt Nam cho Tập đoàn BJC (Thái Lan). 
Thương vụ mua bán giữa Metro và BJC hiện đang được dư luận rất quan tâm, với giá chuyển nhượng lên tới gần 900 triệu đô-la, trong khi vốn đầu tư năm 2002 chỉ là 78 triệu đô-la. Vấn đề đặt ra là vì sao doanh thu của Metro liên tục tăng, nhưng họ liên tục báo lỗ tới 11/12 năm, vậy quan điểm của ông như thế nào?
Tiến sĩ Trần Văn: Mở trang thông tin điện tử của Metro Cash & Carry chúng ta thấy đây là tập đoàn siêu thị bán sỉ quốc tế hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại CHLB Đức. Hiện nay đã có trên 750 siêu thị bán sỉ đang hoạt động dưới thương hiệu METRO và MAKRO tại 28 quốc gia trải khắp Châu Âu, Châu Á với 110 ngàn lao động, doanh số năm tài chính 2012/2013 đạt khoảng 32 tỷ EURO, phục vụ cho trên 21 triệu khách hàng như các khách sạn và nhà hàng, các công ty cung cấp xuất ăn, các nhà bán lẻ độc lập, các cơ quan, tổ chức,… với khoảng 20.000 mặt hàng thực phẩm và 30.000 mặt hàng công nghệ phẩm với giá cả hấp dẫn.
Với lịch sử thương hiệu và uy tín toàn cầu cùng với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, về nguyên tắc Metro không bao giờ dám phung phí quá khứ và hiện tại thành công của mình. Tôi khó có thể phân tích, đánh giá chính xác về quản trị và tài chính doanh nghiệp nếu không tiếp cận số liệu, sổ sách, báo cáo tài chính đã được kiểm toán doanh nghiệp. Đó là công việc chuyên môn của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác liên quan đến việc cấp phép và kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau cấp phép.
Tiến sĩ Trần Văn: Metro là một tập đoàn đa quốc gia lớn với hệ thống quản trị phức tạp nhưng chắc chắn là phải công khai, minh bạch theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Kết quả tài chính của Tập đoàn là quan trọng nhưng triển vọng phát triển trong tương lai còn quan trọng hơn. Metro có thể tạm thời hy sinh các mục tiêu ngắn hạn để hướng tới các mục tiêu dài hạn, lâu dài. 
Bình thường thì khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế do liên tục thua lỗ thì tái sản xuất mở rộng sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ trường hợp của Metro có thể khác. Họ có chiến lược đầu tư dài hạn bên cạnh các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn. Có thể họ lỗ trong ngắn hạn do liên tục phải huy động vốn để mở rộng mạng lưới kinh doanh, xây dựng hệ thống cung ứng và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, xây dựng thương hiệu, đào tạo huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Tất cả là những chi phí tài chính không nhỏ. Và như chúng ta thấy, chiến lược của họ đã thành công.
Có thể thấy, việc Metro liên tục báo lỗ trong khi không ngừng mở rộng hệ thống là điều bất thường. Theo ông, trách nhiệm của cơ quan thuế như thế nào?
Sau hơn 12 năm Metro vào nước ta, Metro đã mở được 19 đại siêu thị bán sỉ với công nghệ bán hàng tiên tiến và thái độ phục vụ văn minh vào bậc nhất, hướng tới các giá trị cho khách hàng, tại các trung tâm đô thị sầm uất nhất, nơi dân cư có thu nhập vào hàng cao nhất Việt Nam, là những thị trường tiêu thụ triển vọng nhất, phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Metro cũng thành lập được hai trung tâm logistic, phân phối rau quả đặt tại Lâm Đồng và cá tươi tại Cần Thơ. 
Tôi cho rằng, hệ thống các đại siêu thị bán sỉ tại các vị trí “đắc địa” và trung tâm logistic hàng tươi sống của Metro, với nhận diện thương hiệu mạnh, uy tín, thị phần lớn, đội ngũ nhân viên thành thạo, chuyên nghiệp, chất lượng cao,… thì gần 900 triệu đô-la cũng là giá phải chăng. Đó là chưa xét đến tính đặc thù của thủ tục hành chính ở nước ta với cả “rừng” thủ tục liên quan đến thu hồi, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh thực phẩm tươi sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu,… thì lại càng thấy giá trị của hệ thống đã được Metro xác lập. Tôi không nghĩ là các cơ quan thuế của chúng ta đã không “chăm sóc” chu đáo Metro mà ngược lại. Cái “cay cay ở mũi” ở đây là “người ta” làm được mà “mình” thì lại chưa.
Dư luận cũng băn khoăn về việc các cơ quan chức năng cấp phép cho Metro đầu tư vào Việt Nam cũng như nhiều dự án FDI khác với quá nhiều ưu đãi, thậm chí là “trải thảm đỏ”, “xé rào”. Vậy, ông đánh giá như thế nào về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Văn: Tôi cho rằng trong mỗi giai đoạn phát triển với những điều kiện lịch sử cụ thể, chúng ta đã có những quy định pháp luật hợp lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong một thế giới phẳng của toàn cầu hóa với sự chuyển dịch tự do của dòng vốn đầu tư thì thu hút FDI không phải là dễ. Cũng đã có những trường hợp “xé rào” ở địa phương này, địa phương kia, nhưng nhìn về tổng thể, trong hơn 26 năm qua chúng ta đã thu hút được nguồn lực không nhỏ để phát triển đất nước với trên 15 nghìn dự án FDI, trên 100 tỷ đô-la Mỹ vốn thực hiện trong tổng số 200 tỷ đô-la Mỹ vốn đăng ký, làm thay đổi cơ bản cơ cấu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tích cực.
Đến nay, nhiều quy định về ưu đãi đầu tư của giai đoạn trước cần được xây dựng một cách chi tiết hơn, hợp lý hơn trong tương quan so sánh với các nước cùng trình độ phát triển tại khu vực gắn với các hiệp định song phương và đa phương về tự do thương mại và đầu tư (FTA). Tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về Luật đầu tư (sửa đổi) và đến kỳ họp lần thứ 8 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua. Chắc chắn Luật đầu tư (sửa đổi) sẽ đưa ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn để thu hút đầu tư trong một môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động đầu tư và đem lại lợi ích cho cao nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời với việc qui định các chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc và hình thức, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, các hình thức và điều kiện áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có chương trình giám sát, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)?
Tiến sĩ Trần Văn: Hàng năm, thực hiện nhiệm vụ, chức năng được luật định, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý thuế tại một số địa phương, doanh nghiệp lớn, nhất là trong quá trình thẩm tra, đánh giá chính sách thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm do Chính phủ trình ra Quốc hội. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế đều được Ủy ban quan tâm thích đáng. 
Nhiều yêu cầu hay đề xuất, kiến nghị của Ủy ban trong công tác quản lý thuế đã được thực hiện. Bản thân ngành thuế và ngành hải quan cũng rất nỗ lực thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các sai phạm, thu nộp ngân sách. Nhiều vụ việc như gian lận thuế, trốn tránh nghĩa vụ nộp ngân sách, chuyển giá của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đã bị phát hiện, xử phạt theo quy định của pháp luật và truy thu cho ngân sách. Đây là việc làm thường xuyên của ngành tài chính dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tương ứng của Quốc hội.
Cộng đồng quốc tế đánh giá tiềm năng hệ thống bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn. Vậy, qua thương vụ giữa Metro và BJC, ông có ý kiến như thế nào để thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước tham gia vào hệ thống bán lẻ, góp phần thực hiện tốt hơn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao khả năng thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của các cơ quan hữu quan, địa phương về vấn đề tài chính để tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Tiến sĩ Trần Văn: Đầu ra của sản xuất là tiêu thụ. Nếu không tiêu thụ được sản phẩm thì sản xuất sẽ trì trệ. Với 90 triệu dân hiện nay và sẽ ổn định ở mức gần 120 triệu dân Việt Nam được coi là nước đông dân trên thế giới, đi liền với đó là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Để có được chỗ đứng trong một thị trường như vậy không dễ. Các tập đoàn thương mại lớn của thế giới đã và đang dòm ngó đến Việt Nam. 
Chắc chắn sau Metro, Big C, Aeon, BJC, .. sẽ là các tên tuổi khác. Các nhà bán lẻ Việt Nam như Saigon Coop, Maximark, Citimart, Fivimart,… cũng đang tăng tốc mở rộng mạng lưới. Cho dù là nhà đầu tư đến từ đâu đi nữa thì tỷ lệ hàng hóa địa phương vẫn sẽ chiếm ưu thế như ở Metro là 90%. 
Tôi nghĩ cơ hội là bình đẳng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước từ khía cạnh quy định của pháp luật về đầu tư, còn sự lựa chọn thương hiệu dịch vụ là quyền của người tiêu dùng. Việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phải thấm vào máu thịt người Việt chứ không chỉ dừng ở khẩu hiệu, vận động, như người Nhật, người Hàn Quốc,… đã làm được. 
Tôi hy vọng là thương vụ Metro - BJC là bài học nhãn tiền cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong nước. Từ bài học này, tôi tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thành công trong xây dựng thương hiệu Việt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà” để khẳng định trí tuệ Việt.
PV: Xin cảm ơn ông!

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Chiêu bài trốn thuế của Burger King

Bằng việc mua lại chuỗi cửa hàng café và bánh doughnut Tim Hortons của Canada, Burger King có thể trốn thuế ở Mỹ.


Chiêu bài trốn thuế của Burger King
Ảnh minh họa.
Tờ Wall Street Journal đưa tin tập đoàn bán đồ ăn nhanh Burger King Worldwide Inc. đang trong quá trình đàm phán mua lại chuỗi cửa hàng café và bánh doughnut Tim Hortons của Canada trong thương vụ có giá trị 18 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ giúp hãng đồ ăn nhanh của Mỹ chuyển toàn bộ “căn cứ” sang Canada và do đó tránh được khoản thuế ở Mỹ.
Theo nguồn tin thân cận, hai bên đang thương lượng để thành lập một công ty mẹ mới và thương vụ này sẽ tạo ra chuỗi cửa hàng ăn nhanh lớn thứ ba thế giới. Tổng cộng hai công ty này có giá trị vốn hóa khoảng 18 tỷ USD.
Bằng cách chuyển đến một hệ thống thuế khác có mức thuế thấp hơn, các vụ sáp nhập như trường hợp này của Burger King giúp các công ty tiết kiệm được số thuế đánh vào các khoản tiền thu được từ nước ngoài. Đã có hàng loạt thương vụ tương tự trong ngành dược như AbbVie Inc mua lại Shire của Ireland hay Medtronic Inc. mua Covidien (cũng của Ireland). Giới phân tích dự đoán trong những tháng tới sẽ có nhiều trường hợp tương tự trong bối cảnh Nhà Trắng đang kêu gọi Quốc hội Mỹ ngăn chặn tình trạng này.
Chắc chắn thương vụ của Burger King sẽ gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận bởi đây là thương hiệu nổi tiếng và đặc trưng cho nước Mỹ. Được thành lập năm 1954 chỉ với một cửa hàng nhỏ ở Miami, giờ đây Burger King đã trở thành chuỗi cửa hàng hamburger lớn thứ hai thế giới. Burger King có hơn 13.000 cửa hàng ở gần 100 nước, phục vụ hơn 11 triệu người mỗi ngày.
Trong khi đó, Tim Hortons có trụ sở ở Oakville, Ontario và nổi tiếng với café – thị trường mà các hãng đồ ăn nhanh của Mỹ đang chạy đua để thâu tóm thị phần. Burger King mới đây đã bổ sung thêm các loại café vào thực đơn để bắt kịp với McDonald’s – hãng đã thành công với thương hiệu McCafe.
Tim Hortons có cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ và Canada với giá trị vốn hóa khoảng 8,4 tỷ USD, trong khi Burger King có giá trị vốn hóa 9,6 tỷ USD.

(Theo Bưu điện Việt Nam)

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Những đại gia ngoại chưa từng đóng thuế thu nhập

Doanh thu tăng vọt qua các năm, liên tục đầu tư mở rộng quy mô nhưng hầu hết đều khai báo thua lỗ, nên những ông lớn này chưa từng góp một đồng thuế thu nhập cho Việt Nam.

1. Coca Cola
coca.png
Chiến lược marketing ghi tên trên lon của Coca Cola đang rất thành công, nhưng tiếp tục bị nhắc đến về chuyện không đóng thuế.
Thành lập tháng 2/1994,  đến nay chưa năm nào Coca Cola Việt Nam khai có lãi. Năm 2004 công ty đạt doanh thu 728 tỷ đồng, nhưng báo lỗ 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỷ đồng, số lỗ cũng tăng theo lên đến 253 tỷ đồng.
Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng, nhưng chi phí khai báo 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ. Lũy kế đến thời điểm 2010, công ty lỗ tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng.
Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng. Qua năm 2012 và 2013 vẫn tiếp tục khai báo chưa có lợi nhuận. Vì thua lỗ liên tiếp nên sau hàng chục năm đầu tư vào Việt Nam, Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, mà chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lý do để doanh nghiệp này liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình, chi phí nguyên phụ liệu của Coca Cola chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 lên đến 80-85%. Như năm 2010, chi phí cho khâu này là 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.
Khai lỗ nhưng Coca Cola Việt Nam vẫn liên tục tăng vốn đầu tư vào một loạt dự án. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong ba năm tới.
Giữa tháng 6 năm nay, Coca Cola khánh thành 4 dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam. Cơ sở hạ tầng mới này là một phần của gói đầu tư 300 triệu USD tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015.
Cục Thuế TP HCM đang liệt Công ty Coca Cola Việt Nam vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá.
2. Metro
Metro-2566-1408672915.jpg
Metro dù liên tục tăng doanh thu nhưng 12 năm hoạt động tại Việt Nam chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp do khai báo lỗ.
Tháng 3/2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC Việt Nam) gia nhập thị trường bằng việc khai trương trung tâm đầu tiên tại TP HCM với số vốn 78 triệu USD. Tháng 7/2003, MCC mở tiếp trung tâm bán sỉ thứ hai, đặt tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm đơn vị này khai trương đều đặn một đến hai trung tâm. Trong giai đoạn 2010 - 2012, Metro thậm chí còn mở mới 4 đại siêu thị mỗi năm - tốc độ khiến không ít đại gia phân phối trong nước phải giật mình.
Sau 12 năm, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển với tổng cộng 3.600 nhân viên, kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng không ngừng của doanh thu. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002, doanh thu của MCC Việt Nam đạt 38 triệu euro, tương đương hơn 600 tỷ đồng (theo tỷ giá lúc đó). Đến năm 2013, doanh thu tăng lên 516 triệu euro, tức vào khoảng 14.731 tỷ đồng. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc.
Tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, con số lợi nhuận, theo báo cáo của doanh nghiệp lại không hề khả quan. Báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ.
Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.
Đại diện phía MCC từng cho biết, do chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài.
Đầu tháng này, Tập đoàn Metro thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro (khoảng 18.700 tỷ đồng). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
3. Adidas
adidas-4413-1408644112.jpg
Adidas cũng đang vào tầm ngắm của cơ quan thuế về việc chuyển giá, né thuế.
Adidas tham gia thị trường dụng cụ thể thao Việt Nam từ 1993, song đến năm 2009 mới chính thức thành lập Công ty Adidas Việt Nam, được sở hữu 100% vốn bởi Adidas International B.V (Amsterdam, Hà Lan).
Ngành nghề đăng ký kinh doanh của Adidas Việt Nam là bán buôn tổng hợp, tự thực hiện quyền nhập khẩu. Đến đầu 2012, Adidas Việt Nam đã có trên 50 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn. Doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động, thế nhưng Adidas Việt Nam thường xuyên báo lỗ.
Năm 2012, Adidas đã bị Cục Thuế TP HCM đưa vào tầm ngắm thanh tra do nghi ngờ có dấu hiệu giao dịch liên kết. Hoạt động theo giấy phép kinh doanh là phân phối bán buôn, nhưng Adidas Việt Nam lại phát sinh hàng loạt chi phí của nhà bán lẻ. Điều này bị cơ quan thuế nghi là cách chuyển giá theo phương thức liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con thuộc Tập đoàn Adidas nhằm né thuế thu nhập tại Việt Nam.
Theo giải thích từ Adidas Việt Nam, đây là khoản chi phí quản lý vùng và được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp của Adidas Việt Nam, tức được giảm trừ thu nhập chịu thuế và có kê khai nộp phí nhà thầu. Ngoài ra, Adidas Việt Nam cũng phải trả chi phí hoa hồng mua hàng cho Addias International Trading B.V với tỷ lệ 8,25% giá trị mỗi giao dịch...
Trao đổi với VnExpress trước đây, đại diện Adidas Việt Nam cho biết đã được thẩm tra bởi cơ quan thuế địa phương trong năm 2009-2010, hai năm đầu tiên từ khi bắt đầu hoạt động. Quyết định kiểm tra thuế được ban hành bởi cơ quan thuế địa phương đã kết luận rằng không bị phạt khoản thuế quan trọng nào. Trong năm 2011 và 2012, Adidas Việt Nam đã đạt được những mức lợi nhuận hợp lý, đã và sẽ đóng thuế thu nhập tích lũy trên lợi nhuận này.
Cục Thuế TP HCM cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra và làm rõ các nghi vấn liên kết của Adidas vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào về việc này.
4. Keangnam - Vina
php-2235-1408644112.jpg
Liên tục khai báo lỗ và đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế của Keangnam-Vina lên tới 277 tỷ đồng.
Tháng 7/2007, Keangnam - Vina (công ty 100% vốn Hàn Quốc) vào Việt Nam và được biết đến là chủ đầu tư tòa tháp cao nhất Việt Nam - căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội). Trong hơn 5 năm đầu tư từ 2007 đến 2011, Keangnam-Vina báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm. Năm 2011, công ty bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng vẫn báo lỗ hơn 140 tỷ đồng.
Cuối năm 2012, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra thuế, đặc biệt là hoạt động chuyển giá tại Công ty Keangnam-Vina.
Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng giữa Công ty Keangnam-Vina và Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC năm 2007, từ mức 871 triệu USD, thực chất giảm chỉ còn 699 triệu USD.
Ngoài ra, trong 2 lĩnh vực kinh doanh của Keangnam-Vina thì lĩnh vực bán căn hộ cao cấp đã có lãi. Đoàn thanh tra xác định, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên. Doanh thu bán căn hộ khoảng 3.500 tỷ đồng. Keangnam Vina bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh thứ hai là dịch vụ khách sạn, cho thuê văn phòng của đại gia này bị lỗ. Tổng hợp lại, kết quả kinh doanh hợp nhất của Keangnam Vina tính đến năm 2011 vẫn lỗ.
Như vậy, đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế của Keangnam-Vina lên tới 277 tỷ đồng. Do khai báo thua lỗ liên tiếp nên Keangnam-Vina sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam vẫn chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ đóng thuế VAT, thuế sử dụng đất không đáng kể.
5. PepsiCo
pepsi-6457-1408644112.jpg
Phải 16 năm sau ngày thành lập, PepsiCo Việt Nam mới có lãi.
Pepsi là một trong các công ty giải khát có vốn nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Việt Nam. Thời gian đó, cũng như nhiều công ty khác, muốn hoạt động tại Việt Nam, Pepsi phải hoạt động dưới danh nghĩa liên doanh. Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập bởi liên doanh giữa Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SP.Co) và Marcondray-Singapore với tỷ lệ vốn góp 50% - 50%.
Đến tháng 7/2003, SP.Co quyết định bán toàn bộ cổ phần trong Liên doanh nước giải khát quốc tế (IBC) cho Công ty Pepsi. Theo đó, Pepsi IBC đã chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Ngày 23/10/2012, Pepsi công bố bán cổ phần của Công ty Pepsi Việt Nam cho Công ty Suntory Holdings Ltd., một công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản, để cả hai cùng hợp tác nguồn lực mở rộng thị trường đang tăng trưởng nhanh này.
Giống Coca Cola, kể từ khi thành lập cho tới năm 2006, Pepsi cũng liên tục báo lỗ. Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2008, Pepsi lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số lãi  của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ (từ năm 1991, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng) nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến 2013 chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế ra quyết định kiểm tra thuế tại công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế giá trị gia tăng 1,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 4,4 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng đối với nhà thầu nước ngoài là trên 500 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà thầu nước ngoài là 3,2 tỷ đồng.
Hoài Thu

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Ngã ngửa Metro: 900 triệu đô sau 12 năm lỗ nặng

Liệu Metro có ra đi tay không sau 12 năm kinh doanh ở Việt Nam với con số doanh thu liên tục thua lỗ và sang tay cho ông chủ người Thái?

12 năm đầy nghi vấn
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Metro đã hoạt động ở Việt Nam hơn chục năm nay mà năm nào cũng báo lỗ, thì đây là một dấu hiệu không bình thường và khó hiểu. Một điểm rất nhiều người quan tâm: tại sao thua lỗ liên tục và kéo dài triền miên như vậy mà tập đoàn Metro lại không có biến chuyển gì trong quản lý kinh doanh?
11/12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ với lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Đại gia phân phối của Đức này lập kỷ lục là một trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thua lỗ lớn và dài nhất tại Việt Nam.
Cục Thuế TP.HCM đã đưa ra những con số thống kê về doanh thu, thu nhập của Metro. Dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể doanh thu năm 2007, 2008 của Metro lần lượt là hơn 6.607 tỷ đồng và 8.175 tỷ đồng nhưng các khoản lỗ lần lượt là 157 tỷ đồng và 190 tỷ đồng.  Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng cao ngất ngưởng 160 tỷ đồng. Năm 2010 Metro có lãi nhưng đến năm 2011, công ty này lại về xu hướng quen thuộc khi khai lỗ 89 tỷ đồng.
Metro, Metro-Cash-Carry, phân-phối, bán-lẻ, bán-buôn, thuế-VAT, thất-thu-thuế, đầu-tư-nước-ngoài
Metro liên tục thua lỗ khi kinh doanh tại VN
Do nhiều năm thua lỗ, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Vì vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Metro chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư.
Cụ thể là, Metro phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn như đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý… mới có thể xây dựng được một trung tâm bán sỉ, con số đó tương đương với khoảng 300 - 400 tỷ đồng.
Mặt khác cũng cần đặt vấn đề, tại sao thua lỗ kéo dài mà Metro vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới ra gấp hơn 2 lần dự kiến? Dù thua lỗ, Metro vẫn không ngừng mở rộng thị trường. Thay vì mở 6 trung tâm như kế hoạch trước khi vào Việt Nam, số siêu thị của Metro đã lên tới 19, cùng gần 4.000 lao động.
Khi khai trương một trung tâm tại Hà Nội cách đây hơn một năm, đại diện Metro cho hay, trong vòng 3-5 năm tới, sẽ phấn đấu để có từ 30-35 trung tâm tại đây. Vị này cũng nhận định lạc quan về thị trường Việt Nam nên vẫn muốn tiếp tục đầu tư.
Âm thầm ôm tiền tỷ ra đi
Đã có không ít chia sẻ về sự thật thất bại khó tránh của Metro khi chưa tiếp cận trúng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Doanh số của Metro Việt Nam không ấn tượng, thấp hơn 1,25 lần so với mức bình quân của Metro. Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường kém phát triển nhất của Metro.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Metro không thất bại bởi họ đã gặt hái được nhiều thứ khác. Đại gia bán sỉ hàng đầu trên thế giới này rời Việt Nam với gần 900 triệu USD (tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng) sau khi bán đứt chuỗi 19 đại siêu thị của mình cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan.
Metro, Metro-Cash-Carry, phân-phối, bán-lẻ, bán-buôn, thuế-VAT, thất-thu-thuế, đầu-tư-nước-ngoài
Metro Việt Nam chính thức được mua lại với giá 879 triệu USD 
Xét ở góc độ nào đó, Metro đã thua trên mặt trận phân phối hàng hóa ở Việt Nam, thua một số đại gia bán lẻ ngoại khác và chính thức từ bỏ thị trường 90 triệu dân đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, nhìn vào “núi tiền” mà Metro mang về thì có lẽ, doanh nghiệp gốc Âu này đã thắng lợi. Tỷ phú Thái chi một số tiền lớn như vậy để mua lại thì chứng tỏ tiềm năng của doanh nghiệp không chỉ đơn giản là nhìn vào con số lợi nhuận.
Việc Metro “dứt áo ra đi” cùng với món tiền to, trong khi chưa thực hiện hết nghĩa vụ đóng thuế cho Việt Nam, cũng là điểm nhiều nghi vấn đang bị soi xét. 
Vào Việt Nam với một khoản đầu tư vài chục triệu USD và hạn chế đầu tư số lượng ít các cơ sở bán lẻ. Nhưng rồi Metro đã bành trướng lến đến 19 trung tâm phân phối dù liên tục thua lỗ và gần như không có đóng góp nào đáng kể cho nguồn thu ngân sách.
Và cuối cùng, Metro bán mình để thu về khoản tiền khổng lồ gần 900 triệu USD để thực hiện những toan tính mới. Đến lúc này, rất nhiều người mới ngã ngửa với ông lớn này và giật mình nhìn lại không ít đại gia ngoại đang liên tục thua lỗ nhưng không ngừng bánh trường trên đất Việt Nam.
Mạnh Hà

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Metro chưa từng nộp thuế thu nhập sau 12 năm kinh doanh ở Việt Nam

Doanh thu tăng hơn 24 lần, liên tục mở rộng và hiện có 19 trung tâm bán buôn, song suốt thời gian kinh doanh ở Việt Nam, Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ và chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Tháng 3/2002, Công ty Metro Cash & Carry Vietnam (MCC Việt Nam) chính thức gia nhập thị trường với việc khai trương trung tâm đầu tiên tại TP HCM với số vốn ban đầu 78 triệu USDMetro Cash & Carry chuyên về mảng bán buôn, là một trong 3 thương hiệu độc lập được xây dựng dựa trên 3 phân khúc thị trường khác nhau của Metro Group (Đức). Ngay từ khi đặt chân vào Việt Nam, MCC đã tiếp cận phương thức bán sỉ, với nhóm khách hàng chính là nhà hàng, khách sạn, căng tin, nhà phân phối, đại lý, tiệm tạp hóa... 

metro-3-1708-1407777494.jpg
Tập đoàn Metro chính thức có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 2002. Ảnh: Nhật Minh
Cái tên Metro nổi tiếng, cộng với trải nghiệm mua hàng mới mẻ, chưa từng có khi ấy đã thu hút không chỉ các tiểu thương, mà còn cả người tiêu dùng Việt Nam. Khái niệm "đi Metro" dần trở nên quen thuộc với nhiều gia đình thành thị, khi có dịp cần mua sắm lớn, phục vụ cho các dịp lễ tết, hội hè. Cũng vì vậy, nhiều người dù không buôn bán, cũng cố gắng sở hữu hoặc mượn một tấm thẻ hội viên để được vào mua sắm
Tháng 7/2003, MCC mở tiếp trung tâm bán sỉ thứ hai, đặt tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm đơn vị này khai trương đều đặn một đến hai trung tâm. Trong năm 2010, 2011, và 2012, Metro thậm chí còn mở mới 4 đại siêu thị mỗi năm – tốc độ khiến không ít đại gia phân phối trong nước phải giật mình.
Với tiến độ như vậy, sau 12 năm, hiện Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên. Đi kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng không ngừng của doanh thu. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002, doanh thu của MCC Việt Nam đạt 38 triệu euro, tương đương hơn 600 tỷ đồng (theo tỷ giá lúc đó). Đến năm 2013, doanh thu tăng lên 516 triệu euro, tức vào khoảng 14.731 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần. Việt Nam cũng là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á, sau Trung Quốc. 
metro2-2155-1407810351.jpg
Diễn biến doanh thu của Metro Việt Nam trong 12 năm gia nhập thị trường Việt Nam.Số liệu: Báo cáo tài chính Tập đoàn Metro
Tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, con số lợi nhuận, theo báo cáo của doanh nghiệp lại không hề khả quan. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, con số lỗ của của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu. Riêng thuế thu nhập doanh nghiệp, Metro chưa nộp đồng nào và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.
Tuy nhiên, khi giải trình với ngành, đại diện phía MCC từng cho biết, do chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn. Trong khi những năm gần đây số lượng siêu thị mở mới nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt nên phải mất trung bình ba năm kể từ khi khai trương mới có lãi. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài. 
Việc mở rộng quy mô là nguyên nhân khiến đại gia bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi khai trương một trung tâm tại Hà Nội cách đây hơn một năm, Giám đốc điều hành của MCC Việt Nam từng cho biết, trong vòng 3-5 năm tới, sẽ phấn đấu để có từ 30-35 trung tâm tại đây. Vị này cũng nhận định lạc quan về thị trường Việt Nam nên vẫn muốn tiếp tục đầu tư. 
Đến đầu tháng 8 năm nay, Tập đoàn Metro lại bất ngờ thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 655 triệu euro (khoảng 18.700 tỷ đồng). Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
Trao đổi với VnExpress ngày 11/8, một lãnh đạo ngành thuế nhận định, vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh hoạt động kinh doanh của Metro tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông này cho rằng, tỷ phú Thái chi một số tiền lớn như vậy để mua lại thì chứng tỏ tiềm năng của doanh nghiệp không chỉ đơn giản là nhìn vào con số lợi nhuận. 
Bên cạnh việc báo lỗ liên tiếp, có thời điểm, Metro Việt Nam từng bị nghi ngờ do khó khăn nên đã tìm cách lấn sân sang bán lẻ khi tạo điều kiện cho khách vào mua hàng, kể cả người không có thẻ hội viên. 
Ngọc Tuyên