Mục đích hạn chế doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn của Thông tư số 219/2013/TT-BTC không những không đem lại hiệu quả mà còn bóp chết sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập.
Thông tư số 119/2014/TT-BTC có
hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2014 đã quy định những doanh nghiệp mới
thành lập có tài sản dưới 1 tỷ đồng sẽ vẫn được đăng ký tự nguyện áp
dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT). Quy định mới này
được ban hành đã “mở cửa sinh” cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Trước
ngày 01 tháng 09 năm 2014, theo quy định tại Thông tư số
219/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, doanh
nghiệp mới thành lập phải thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định có
giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương
pháp khấu trừ thuế GTGT, nếu không, phải áp dụng phương pháp tính thuế
trực tiếp trên GTGT tức là phải nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm ấn định
nhân với doanh thu mà không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Quy định này được đưa ra nhằm mục đích hạn chế những doanh nghiệp được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn.
Nhưng việc gộp tất cả các doanh nghiệp mới thành lập vào cùng một giỏ
và áp dụng quy định này thực sự là rào cản cho những doanh nghiệp mới
thành lập hoạt động hợp pháp. Và đối với những doanh nghiệp là đơn vị tư
vấn, dịch vụ hoặc thậm chí là trong một số đơn vị hoạt động sản xuất
thì việc đầu tư 1 tỷ đồng là sự không phù hợp.
Đồng thời, khi
doanh nghiệp thành lập xong, đi vào hoạt động, việc không được khấu trừ
thuế GTGT đầu vào, mà hạch toán thu nhập doanh nghiệp nên làm tăng giá
thành hàng hóa, không những thế doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT tính
trên doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, việc không được sử dụng hóa đơn GTGT khiến cho các doanh nghiệp này cũng khó để có thể tìm được khách hàng vì khi mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp này họ cũng không được khấu trừ thuế GTGT.
Trên
thực tế, khi bị hạn chế bởi ngưỡng 1 tỷ, đã có không ít cá nhân, tổ
chức với ý định thành lập công ty đã phải tìm cách thức khác khi khởi
nghiệp, để có thể thực hiện ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình đồng
thời tìm kiếm được khách hàng và đáp ứng yêu cầu của họ. Một trong những
giải pháp được lựa chọn đó là mua lại những công ty đã đựợc thành lập
trước năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc, nhằm mục đích tự tạo ra
thế bình đẳng nhất định với các doanh nghiệp đã hoạt động từ trước về
việc xuất được hóa đơn GTGT họ đã phải chấp nhận tốn thêm chi phí và
chịu những rủi ro tiềm ẩn khi tiến hành mua lại những công ty khác.
Hoặc
sau khi thành lập công ty và bị áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên
GTGT, để đáp ứng nhu cầu về sử dụng hóa đơn GTGT khấu trừ đầu vào của
khách hàng không muốn sử dụng hóa đơn trực tiếp, họ cần mua hóa đơn. Và
chính điều này lại làm tăng cung cầu, tạo điều kiện cho “thị trường” mua
bán hóa đơn họat đông, phát triển ngày càng mạnh.
Như vậy, dường như
mục đích hạn chế doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn của Thông tư
số 219/2013/TT-BTC không những không đem lại hiệu quả mà còn bóp chết
sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập vốn đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nhận
thấy được sự bất cập, trong Thông tư số 119/2014/TT-BTC đã bỏ quy định
này. Theo đó, doanh nghiệp mới thành lập chỉ cần thực hiện đầu tư, mua
sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng
cụ (mà không cần đạt ngưỡng 1 tỷ) hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh
doanh, là đã đủ điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ
thuế. Điều này tạo ra thế cạnh tranh bình đăng hơn cho các doanh nghiệp
mới thành lập so với các doanh nghiệp có vốn lớn, đã thành lập lâu năm.
Quy định này cùng các quy định khác như việc đơn giản, bãi bỏ
nhiều bảng kê; làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp khoán được miễn, giảm;
bổ sung chi phí đựợc trừ khi xác định thu nhập chịu thuế… trong Thông
tư số 119/2014/TT-BTC thực sự hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như theo quy định tại Nghị
quyết số 19/2014/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 03 năm 2014.
Nâng cao niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh
doanh nói riêng và toàn xã hội nói chung vào chủ trương, chính sách và
đường lối lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, để cùng chung tay đưa nền kinh
tế của nước ta đi lên, hội nhập và ngày một vững mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét